Điểm danh những loại bánh bao đặc trưng ở Trung Quốc
Cơm là một loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của người Trung Quốc, mì cũng rất phổ biến, nhưng nếu có một cuộc thăm dò để tìm kiếm loại lương thực thông dụng nhất Trung Quốc, bạn sẽ nhận được câu trả lời, đó chính là bánh bao. Bánh bao có mặt ở khắp nơi, từ các quán hàng lề đường cho đến những nhà hàng cao cấp. Dưới đây là những loại bánh bao đặc trưng nhất của Trung Quốc.
Shui jiao (Sủi cảo)
Sủi cảo là một loại thực phẩm vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là ở miền Bắc. Món ăn này có nhân làm từ hỗn hợp thịt lợn băm và rau củ, được gói trong vỏ bánh làm bằng bột mỳ. Sủi cảo còn có tên gọi là bánh chẻo, nó được xem là một nét đặc trưng trong văn hóa Trung Quốc. Vào ngày Tết Nguyên đán, các gia đình sẽ cùng nhau làm sủi cảo, trong số đó sẽ có một chiếc sủi cảo được bỏ vào một đồng xu, ai ăn trúng miếng sủi cảo đó sẽ nhận được nhiều may mắn trong năm mới.
học tiếng trung online
Tangyuan (Yuan xiao)
Tangyuan hay còn gọi là yuan xiao là một loại bánh đặc trưng thường có mặt trong Lễ hội đèn lồng, một lễ hội lớn ở Trung Quốc. Tangyuan có hình tròn, vỏ được làm bằng bột gạo nếp, bên trong là các loại nhân ngọt như vừng, bột đậu, trái cây khô… Bánh có thể được luộc, chiên hoặc hấp. Tangyuan có vị ngọt, thơm và ăn rất ngon. Bánh thường được ăn trong Lễ hội đèn lồng, là ngày cuối cùng của lễ kỷ niệm năm mới âm lịch, người ta ăn bánh để biểu thị cho sự đoàn tụ, hài hòa và vui vẻ trong gia đình.
Xiaolongbao
Xiaolongbao là một loại dim sum rất đặc biệt, bắt nguồn từ Nanxiang, một vùng ngoại ô của Thượng Hải. Cũng nhân tôm, thịt hay hải sản như những loại dimsum khác, nhưng Xiaolongbao đặc biệt ở chỗ là nước dùng nóng hổi được "gói" trong từng miếng dim sum. Từng chiếc dim sum Xiaolongbao thơm ngon với nước dùng nóng bỏng lưỡi tứa ra khi cắn vỡ là một điều thú vị khiến thực khách mê mẩn món dim sum độc đáo này. Xiaolongbao luôn có trong thực đơn của các quán ăn Trung Quốc, vì vậy bạn đừng bỏ qua cơ hội được thưởng thức món ăn hấp dẫn này khi đến thăm Trung Quốc.
Hun tun (Hoành thánh)
Hun tun hay còn gọi là hoành thánh là món ăn khá quen thuộc với người Việt. Hoành thánh có nhân làm từ thịt, hải sản và rau băm nhỏ, gói lại bằng vỏ bột mì rồi đem hấp chín. Hoành thánh có thể ăn riêng kèm với nước xốt gia vị hoặc được dùng trong món mì vằn thắn, súp vằn thắn. Ở Quảng Đông, món mì hoành thánh rất được ưa chuộng. Một tô mì hoành thánh thơm lừng với nước dùng ninh từ xương, bên trên điểm vài lát trứng và tôm luộc, rắc đầy hẹ xanh ngon lành.
Har Gow (Há cảo)
Há cảo là món ăn có nguồn gốc bắt nguồn từ Triều Châu, Trung Quốc và thường được dùng vào các bữa ăn sáng hoặc là món điểm tâm. Vỏ há cảo được làm từ hỗn hợp bột mì, bột há cảo và bột năng, nhân bánh đa dạng bao gồm thịt, tôm, các loại rau, củ quả... Món há cảo thông dụng thường là món há cảo hấp, ngoài ra còn món há cảo chiên. Há cảo được gói theo hình trăng lưỡi liềm, khi chín lớp vỏ bánh trở nên trong mờ lấp ló nhân tôm thịt hồng hồng đẹp mắt, cộng với chút xanh của hành lá cùng mùi thơm hấp dẫn đã trở thành món ăn ưa chuộng của rất nhiều thực khách.
Sheng Jian (Bánh bao chiên)
Hình ảnh của sheng jian thường gắn liền với các đầu bếp ở một quán hàng ăn sáng nhỏ cùng với một chiếc chảo đen khổng lồ, được đậy bằng cái nắp gỗ nặng trịch. Sheng jian là một loại bánh bao chiên đặc sản, là món ăn sáng phổ biến nhất ở Thượng Hải kể từ đầu những năm 1900. Sheng Jian có một lớp vỏ mềm mại, bên trong có nhân thịt viên và nước dùng nóng hổi, thơm lừng.
Guo tie
Guo tie còn được gọi là Potstickers, là một món ăn Trung Quốc phổ biến đã lan truyền rộng rãi đến Nepal, Nhật Bản, cả Đông và Tây Châu Á… Guo tie có hình dạng gần giống với hoành thánh nhưng vỏ dày và dẹt hơn. Nhân bánh được làm từ thịt băm và rau củ, thường được luộc hoặc chiên cháy cạnh trong một chiếc chảo gang, ăn kèm với sốt giấm đậu nành hoặc tương ớt.
Momo
Momo là món ăn rất phổ biến ở Tây Tạng, có thể có hình tròn hoặc hình trăng lưỡi liềm. Nhân bánh bao gồm khoai tây và rau băm nhỏ, thịt gà, bò cùng hỗn hợp gia vị gừng, rau mùi và tỏi. Thông thường chúng được hấp hoặc chiên, ăn kèm với nước sốt ớt tự chế và một bát canh.
Shao mai (Xíu mại)
Có nguồn gốc từ Nội Mông, món ăn này có một hình dạng độc đáo, nhân đa dạng làm từ thịt lợn, rau củ, hải sản và các loại nấm… được gói trong một lớp vỏ mỏng, bên trên được trang trí bằng thịt cua hoặc cà rốt băm nhỏ với màu cam, hoặc dùng đậu để có được màu xanh đẹp mắt điểm trên từng miếng xíu mại.
Manti có nguồn gốc từ vùng Tân Cương và là món ăn phổ biến ở vùng Trung Á. Bánh bao Manti có nhân là một hỗn hợp gia vị thịt, thường là thịt cừu hoặc thịt bò, bọc trong một lớp vỏ bột mì, đem luộc hoặc hấp. Tuy món ăn này đơn giản, nhưng nó có một hương vị rất lạ khiến bạn tò mò muốn nếm thử nhiều lần.
Ngoài ra Manti còn có một công thức biến tấu vô cùng thú vị, xuất hiện từ giữa thế kỷ 15 và vẫn còn tồn tại trong nền ẩm thực hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Manti sẽ được hấp chín và rưới đầy hỗn hợp sốt làm từ sữa chua, bơ đun chảy, tỏi và bột gia vị, tạo thành một món ăn rất đẹp mắt.
Trung tâm tiếng trung tốt tại Hà Nội