HOTLINE 09.4400.4400

[Tra cứu thành ngữ] Chân Nhân Bất Lộ Tướng

Ngày đăng: 24/04/2020 - Lượt xem: 9429

1.Chân nhân bất lộ tướng là gì ?



Người xưa thường nói : “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”. Chân nhân bất lộ tướng vẫn còn một vế sau nữa chính là lộ tướng bất chân nhân.

Chân nhân ở đây chính là một từ dùng để chỉ những người tu hành đã đắc đạo. Từ này cũng hay được dùng để chỉ những người sinh ra đã có số mệnh làm vua hay những người có tài, người giỏi giang.

Bất ở đây có nghĩa là không.

Lộ tức là để lộ, thể hiện ra bên ngoài ai cũng biết.

Tướng trong từ tướng mạo, dùng để chỉ vẻ bề ngoài.

Thông qua giải thích nghĩa từng từ có thể hiểu ý cả câu này chính là những người giỏi giang, đắc đạo, những người tài giỏi, thông minh sẽ không để lộ thân phận, tài năng cũng như sự giỏi giang ra bên ngoài để người khác thấy được mà thường sẽ che giấu, ẩn mình. Rộng hơn là những người có tài, có thân phận, có địa vị cao trong xã hội thường sẽ ẩn giấu, không tùy tiện thể hiện tài năng, khoe khoang bản thân mình với người khác. Còn những kẻ thích khoe khoang sự tài giỏi của bản thân đích thị không phải là người tài thực sự.


2.Chân nhân bất lộ tướng trong tiếng trung là gì ?



Chân nhân bất lộ tướng
真人不露相 /zhēn rén bú lòu xiàng/

Chân nhân bất lộ tướng vẫn còn một vế sau nữa chính là lộ tướng bất chân nhân “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân” (真人不露相, 露相 不真人)

真人 /zhēn rén/ : dùng để chỉ những người sinh ra đã có số mệnh làm vua hay những người có tài, người giỏi giang hoặc những vị tu hành gia đã đắc đạo.
不 /bù/ : bất là không, thể phủ định
露 /lòu/ : lộ có nghĩa là để lộ, phô ra ngoài, bày rõ ra cho thấy, thể hiện ra bên ngoài.
相 /xiàng/ : tướng trong tướng mạo, vẻ bề ngoài.

Thông minh là một loại tài phú, người thực sự có đại trí tuệ thường thường đều là ẩn giấu. Họ sẽ không dùng nó để thể hiện và khi thời khắc quan trọng còn chưa đến thì họ sẽ không tùy tiện sử dụng trí thông minh của mình .Rất nhiều người thích tâm kế, luôn thể hiện chút tiểu thông minh (khôn vặt), không quản điều đó là có cần thiết hay không, vào mọi thời khắc, ở mọi việc đều thể hiện trí thông minh của mình. Người ta vẫn hay nói: “Cây cao thì đón gió mạnh” nên điều này không chỉ đối với thành công là vô ích mà còn thường thường chiêu mời tai họa. Người trí tuệ thực sự thường không thích thể hiện mình cũng như câu nói :Cao nhân không lộ tướng, hiền đức chẳng khoe mình

3.Điển cố liên quan



Câu nói này có liên quan đến một điển cố lịch sử, bắt nguồn vào thời Xuân thu Chiến quốc. Thời bấy giờ có một công tử nhà giàu, từ nhỏ đã có đam mê với đàn ca, lớn lên có thể sáng tác và chơi đàn không tồi tên Ôn Như Xuân. Khá tự tin vào khả năng của mình, anh ta thường xuyên đem tài nghệ của bản thân khoe khoang trước những người khác.
 
Một hôm, Ôn Như Xuân một mình đến Sơn Tây du ngoạn. Khi anh ta đến trước một ngôi miếu thì chợt nhìn thấy một đạo sỹ đang nhắm mắt ngồi thiền. Bên cạnh đạo sỹ có một chiếc túi, miệng túi hé mở lộ ra một góc của cây đàn cổ.

Ôn Như Xuân rất lấy làm hiếu kỳ, tự hỏi mình: “Lão đạo sỹ này cũng biết chơi đàn ư?”. Sau đó, anh ta tiến lại gần hỏi lão đạo sĩ bằng vẻ trịch thượng: “Xin hỏi đạo trưởng biết chơi đàn chứ?”
Đạo sỹ hé mắt trả lời một cách rất khiêm nhường: “Cũng biết đôi chút! Tôi đang muốn tìm cao nhân bái sư học đàn đây.”

Ôn Như Xuân vừa nghe thấy đạo sĩ muốn tìm cao nhân bái sư, lập tức hứng thú trong lòng, muốn thể hiện tài nghệ cho đạo sĩ xem. Anh ta nói một cách không khách sáo rằng: “Thế thì để tôi đàn cho ông xem”.

 Vị đạo sỹ lấy cây đàn cổ từ trong túi ra đưa cho Ôn Như Xuân. Ôn Như Xuân lập tức ngồi khoanh chân dưới đất đánh đàn. Đầu tiên, anh ta đánh tùy hứng một bài, đạo sỹ mỉm cười chẳng nói một lời. Ôn Như Xuân không thấy đạo sĩ khen mình một câu nên trong lòng có chút mất hứng.

Ôn Như Xuân bèn đem hết tài nghệ của mình ra chơi một bài khác, đạo sỹ vẫn lẳng lặng. Anh ta bực quá nổi giận nói: “Tại sao ông chẳng nói năng gì vậy, có phải tôi chơi dở không vậy?
Đạo sỹ nói: “Cũng được, nhưng không phải là bậc sư phụ để tôi bái sư!”
Lúc này Ôn Như Xuân đã không còn chút kiên nhẫn nào, không nén nổi cơn bực tức nói: “Ông chơi đàn giỏi, thế thì hãy để tôi mở rộng tầm mắt xem nào!”.

Đạo sỹ vẫn giữ vẻ ôn nhu, chẳng nói chẳng rằng, cầm cây đàn, vuốt nhẹ vài cái, bắt đầu chơi. Tiếng đàn cầm vang lên, âm thanh như nước chảy réo rắt, như gió chiều hiu hiu. Ôn Như Xuân nghe ngất ngây say đắm, ngay cả cây cổ thụ cạnh chùa cũng đầy chim từ đâu bay đến đậu xuống.
Khúc nhạc hết đã lâu rồi, Ôn Như Xuân mới bừng tỉnh lại, biết rằng hôm nay đã gặp cao nhân, lập tức quỳ trước mặt đạo sỹ xin được bái sư.

Bởi vì những người tu luyện đắc đạo thì được xưng là chân nhân, cho nên người xưa căn cứ vào chuyện này đúc kết ra câu cổ ngữ: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”. Câu nói cũng là để khuyên mọi người rằng đừng nên chỉ dựa vào bề ngoài, cử chỉ bên ngoài mà đánh giá, nhận định người khác. Cao nhân chân chính sẽ không dễ dàng để lộ thân phận và tài năng của mình. Chỉ có những kẻ không có tài năng thực sự mới khoe khoang trước mặt người khác, lại còn cho rằng mình có bản sự lớn lắm.
Không chỉ những bậc cao nhân mà người quân tử thời xưa cũng thường ẩn giấu, không để lộ tài năng của mình. Trong “Thái Căn Đàm. Lập đức tu thân” viết: “Quân tử chi tâm sự, thiên thanh nhật bạch, bất khả sử nhân bất tri, quân tử chi tài hoa, ngọc uẩn châu tàng, bất khả sử nhân dị tri”, tức là bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức, hành vi tư tưởng của họ phải như thanh thiên bạch nhật, quang minh lỗi lạc, không có hành vi ám muội nào cần phải giấu, còn tài nghệ và năng lực của họ phải như châu ngọc, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài làm loá mắt người khác. Những lời này thực sự rất có đạo lý, cũng là bài học cho hậu nhân nhiều đời sau.


4. Chân nhân bất lộ tướng dùng để chỉ ai ?



  • Những người mà cả ngày chỉ biết chém gió chắc chắn không phải là người tài giỏi, chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân mà.
  • Chân nhân bất lộ tướng, đừng bao giờ xem thường bất kỳ ai.
  • Anh ta bình thường học hành không có gì nổi bật không ngờ bài kiểm tra nào cũng tốt đến vậy, quả thật chân nhân bất lộ tướng.

Bình luận facebook:
Các tin khác:
 [Tổng hợp] Tam Tự Kinh - 48 bài học - TẢI SÁCH PDF MIỄN PHÍ ( 106081 lượt xem ) Thành ngữ 老马识途 (Lǎo mǎshítú) – Lão Mã Thư Đồ bằng tiếng trung ( 18718 lượt xem ) 942 câu thành ngữ tiếng trung - P45 ( 2173 lượt xem )
Trung tâm tiếng Trung đông học viên hâm mộ nhất trên Youtube
TRUNG TÂM TIẾNG TRUNG TIENGTRUNG.VN

 Cơ sở 1 : Số 10 - Ngõ 156 Hồng Mai - Bạch Mai - Hà Nội
 Cơ sở 2 : Số 22 - Ngõ 38 Trần Quý Kiên - Cầu Giấy - Hà Nội

 Điện thoại : 09.4400.4400 - 09.6585.6585 - 09.8595.8595

 Phản ánh về chất lượng dịch vụ : xin nhắn tin đến 0943.169.184 (chúng tôi sẽ chủ động gọi lại) 


• Website https://tiengtrung.vn

Công ty TNHH Dương Châu Việt Nam
MST : 0107780017
Địa chỉ : Số 10 - ngõ 156 Hồng Mai - Bạch Mai - Hà Nội
Hotline : 09.4400.4400

• Giờ làm việc :
8h sáng tới 21h15 các ngày trong tuần
(Kể cả chủ nhật )
Riêng thứ 7 làm việc từ 8h sáng tới 17h.

Chính sách và quy định chung
 

 
09.4400.4400